TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

 

I. KHÁI NIỆM

Người hiến máu tình nguyện là người khoẻ mạnh, có đủ điều kiện theo quy định và tự nguyện hiến máu toàn phần hoặc một số thành phần của máu và có tinh thần nhân đạo, tự nguyện, không nhận tiền, quà bồi dưỡng, có ý thức về hiến máu an toàn cho người bệnh.

Người bán máu chuyên nghiệp: Là người chuyên đi bán máu vì lý do điều kiện kinh tế thấp, dẫn tới chất lượng máu không đảm bảo, không an toàn.

Người nhà, người thân tham gia hiến máu, không khuyến khích đối tượng này vì không đảm bảo an toàn truyền máu cho người bệnh và người bệnh phải hàm ơn người hiến máu.

Cho máu tự thân: Người bệnh hiến máu trước phẫu thuật gửi ngân hàng máu khi cần thì dùng lại cho người bệnh. hình thức hiến máu này rất an toàn, khuyến khích cho mọi người có điều kiện.

Hiến máu tình nguyện: Người hiến máu chỉ có mục đích cứu người, không vì tiền, đảm bảo an toàn cho người nhận máu, đây là đối tượng chính trong chương trình máu quốc gia của tất cả các nước trên thế giới.

1. Các nguyên tắc hoạt động hiến máu tình nguyện và truyền máu

- Vì mục đích nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.

- Tự nguyện đối với người hiến máu.

- Chỉ sử dụng máu và các chế phẩm máu vào việc chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

- Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người nhận máu và chế phẩm máu.

- Bảo đảm an toàn đối với người hiến, người được truyền máu, chế phẩm máu và nhân viên y tế có liên quan đến truyền máu.

- Hành vi bị cấm: Ép buộc người khác phải hiến máu, chế phẩm máu.

2. Điều kiện đối với người hiến máu tình nguyện

2.1. Người hiến máu phải có giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chứng minh của quân đội, công an.

2.2. Có trả lời bằng tình trạng sức khoẻ người hiến máu và cam kết tự nguyện hiến máu (theo mẫu của bộ y tế ban hành).

2.3. Tuổi:

- Nam từ 18 - 60 tuổi;    

- Nữ từ 18 - 55 tuổi.

 2.4. Trọng lượng cơ thể và thể tích máu lấy mỗi lượt đối với cả hai giới:

 - Hiến máu toàn phần:

+ Người hiến máu phải có trọng lượng cơ thể ít nhất là 45 kg;

+ Thể tích máu mỗi lượt hiến máu lấy không quá 09 ml/kg cân nặng và không được quá 450 ml máu toàn phần.

 - Hiến các thành phần máu bằng gạn tách:

Người hiến máu phải có trọng lượng cơ thể ít nhất là 50 kg và hiến mỗi lượt không quá 500 ml tổng các loại thành phần (huyết tương, tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu, tế bào gốc).

3. Tiêu chuẩn sức khoẻ:

Không mắc các bệnh mạn tính của các cơ quan Hô hấp, Tuần hoàn, Tiết niệu, Tiêu hoá, Tâm thần kinh; không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục;

3.1. Người hiến máu có tình trạng khoẻ mạnh, không có các biểu hiện bất thường bệnh lý cấp tính và mạn tính.

- Huyết áp:

+ Huyết áp tối đa: 100 - 140 mm hg;

+ Huyết áp tối thiểu: 60 - 90 mm hg.

- Tần số tim đều: 60 - 90 lần /phút;

- Không có các biểu hiện sau:

+ Sút cân nhanh (trên 10% trọng lượng cơ thể trong 06 tháng);

+ Hoa mắt, chóng mặt;

+ Vã mồ hôi trộm;

+ Hạch to;

+ Sốt;

+ Phù;

+ Ho, khó thở;

+ Ỉa chảy;

+ Xuất huyết các loại;

+ Xuất hiện các tổn thương bất thường trên da.

3.2. Một số chỉ số sinh học và xét nghiệm trước khi hiến máu:

Nồng độ Hemoglobin:

+ Phải đạt ít nhất là 120 g/l đối với cả hai giới;

+ Người hiến 450 ml máu toàn phần phải có nồng độ Hemoglobin ít nhất là 125 g/l;

- Nồng độ Protein trong máu: Người hiến huyết tương bằng gạn tách phải có nồng độ Protein huyết thanh trong giới hạn sinh lý bình thường và phải xét nghiệm lại ít nhất 4 tháng một lần;

- Số lượng tiểu cầu: Người hiến tiểu cầu, bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân, tế bào gốc bằng gạn tách phải có số lượng tiểu cầu ít nhất là 200 ´ 109/l;

- Xét nghiệm sàng lọc nhanh HBSAG cho kết quả âm tính đối với người hiến máu lần đầu tại những khu vực có tỷ lệ người khoẻ mang Virus Viêm gan B cao.

 

II. VAI TRÒ CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

1. Nhu cầu máu và vận động hiến máu

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) trong điều kiện phát triển của Y học hiện đại hàng năm cứ 80 người bệnh thì có một người cần điều trị bằng máu và các chế phẩm máu, cứ 1000 giường bệnh thì cần khoảng 7000 người cho máu. Đối với các nước đang phát triển như nước ta nhu cầu máu cần thiết khoảng 2% dân số, theo tính toán nhu cầu máu của nước ta cần khoảng 1.720.000 đơn vị máu (250ml/ đv), (dân số 2008 là 86.000.000 người).

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, 2008 lượng máu cả nước thu gom được là 564.401 đơn vị, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt đạt 72,97%, tỷ lệ dân số hiến máu là 0,7% và đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu so với khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Khó khăn lớn nhất đối với công tác vận động hiến máu nhân đạo là nhận thức của nhân dân ta còn hạn chế, nhiều vùng, nhiều địa phương còn có định kiến sai lệch, nặng nề về máu và hiến máu. Tình hình lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng truyền qua đường máu còn phức tạp và chiếm tỷ lệ cao. Do vậy đe doạ nghiêm trọng tới đảm bảo an toàn truyền máu. Để giải quyết khó khăn trên, ở tất cả các nước trên thế giới, vấn đề vận động nguồn người hiến máu luôn được coi là trọng tâm hàng đầu. Mục tiêu chung đặt ra là toàn bộ lượng máu thu được phải từ  nhũng người hiến máu tình nguyện.

Với đặc thù là tổ chức chuyên hoạt động nhân đạo tuân theo với các tôn chỉ mục đích của mình, Hội Chữ thập đỏ các quốc gia trên thế giới nói chung và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói riêng đã quan tâm đến công tác vận động hiến máu tình nguyện ngay từ khi phong trào mới bắt đầu vào năm 1994.

2. Thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký Nghị quyết Liên tịch, Nghị quyết Liên tịch số: 01/1999/NQLT-CTĐ&BYT ngày 05/8/1999 giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Nghị quyết Liên tịch số : 01/2003 sửa đổi bổ sung Nghị quyết liên tịch số : 01/1999/NQLT-CTĐ&BYT ngày 05/8/ về việc phối hợp thực hiện các định hướng chiến lược về chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2020.

Ngày 26/2/2008 Thủ tướng chính phủ có Quyết định số: 235/ QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, gồm 19 thành viên trong đó Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu (thành viên Chính phủ là Trưởng ban, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là Phó trưởng Ban thường trực, Lãnh đạo Ban Tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo là 1 trong số thành viên đại diện cho các Bộ, Ban ngành của Trung ương. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia có trụ sở đặt tại Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 82 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cùng với sự quan tâm và chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức và hoạt động công tác vận động hiến máu nhân đạo và chỉ đạo chỉ ban tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố có ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo, trong đó thành phần hơn 90% Trưởng ban chỉ đạo là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Phó trưởngB thường trực Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một tổ chức xã hội, làm bổ trợ cho Chính phủ về công tác nhân đạo. Nguyên tắc hoạt động của Chữ thập đỏ là: tự nguyện, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất, toàn cầu.

Luật hoạt động Chữ thập đỏ (Luật số: 11/2008/QHXII) đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, Kỳ họp thứ III thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008. Luật áp dụng đối tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động Chữ thập đỏ tại Việt Nam trong đó tại mục 1 điều 10 có quy định rõ: hoạt động Chữ thập đỏ về hiến máu nhân đạo là hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu máu phục vụ chữa bệnh, bao gồm :

- Tuyên truyền, vận động hiến máu ;

- Tổ chức lực lượng, cơ sở hiến máu ;

- Tổ chức hiến máu ;

- Tiếp nhận máu, sản phẩm máu từ tổ chức cá nhân ;

- Phối hợp với ngành y tế trong việc xét nghiệm, bảo quản máu đúng quy trình kỹ thuật để có máu và sản phẩm máu. 

Ban tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo của trung hội chữ thập đỏ Việt Nam được thành lập theo Quyết định số: 697/2005/QĐ-TTg ngày 27/05/2005.

 Ban Tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiên nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo các tỉnh, thành hội triển khai nhiệm vụ công tác chuyên môn của Hội chữ thập đỏ như: Tuyên truyền vận động người dân trong cộng đồng tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, duy trì hoạt động, đề xuất và tham mưu với Thường trực TW hội tìm nhiều biện pháp chỉ đạo, điều hành, thực hiện kế hoạch hiến máu, kiểm tra, giám sát và công tác tôn vinh khen thưởng, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm hàng quí, năm nhằm duy trì tốt phong trào hiến máu nhân đạo của các địa phương trên cả nước góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

- Tổ chức của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thành lập theo 4 cấp, số lượng cán bộ, hội viên và tình nguyện viên chữ thập đỏ được nâng lên rõ rệt, lực lượng của hội gồm gần 14 ngàn cán bộ và 10 triệu hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ. Đây là điều kiện tốt để các cấp hội ngày càng thể hiện được vị trí, trách nhiệm nòng cốt phối hợp với các ban ngành đoàn thể và cộng đồng tham gia phong trào vận động hiến máu nhân đạo.

- Hội Chữ thập đỏ đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động hiến máu nhân đạo, đã chủ động lập kế hoạch, chỉ tiêu vận động hiến máu hàng năm trình Uỷ ban nhân dân phê duyệt.

- Hội Chữ thập đỏ các cấp trong cả nước đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền vận động phù hợp với địa bàn dân cư, trình độ dân trí của mỗi địa phương.

- Hội Chữ thập đỏ các cấp chủ động tham mưu cho ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các địa phương tổ chức các hoạt động và các sự kiện tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo nhân ngày hiến máu nhân đạo toàn quốc 7/4 hàng năm và ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6.

- Nhiều mô hình điển trong phong trào vận động hiến máu nhân đạo, ngày càng được các cấp hội được nhân rộng trên các vùng miền trong cả nước như: mô hình xây dựng lực lượng hiến máu dự bị, mô hình tổ chức câu lạc bộ nhóm máu hiếm, mô hình điểm hiến máu cố định

- Phối hợp với ngành y tế trong việc tuyển chọn, tư vấn, chăm sóc người  hiến máu tình nguyện.

- Thành lập các câu lạc bộ/nhóm hiến máu tình nguyện trực thuộc Hội Chữ thập đỏ để duy trì nguồn người hiến máu tình nguyện, nhằm đảm bảo bền vững phong trào vận động hiến máu tình nguyện.

- Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành đoàn thể như Y tế, hội LHPN, Hội Sinh Viên VN, Đoàn TNCSHCM, các đoàn thể khác, thực hiện tốt kế hoạch mà ban chỉ đạo đề ra và đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về hiến máu nhân đạo nhằm đẩy mạnh phong trào hiến máu trên toàn quốc.

- Duy trì các điểm hiến máu cố định và các trung tâm hiến máu trực thuộc hội chữ thập đỏ để góp phần cung cấp đủ máu cho cấp cứu và điều trị.

 - Tranh thủ các nguồn kinh phí từ các chương trình dự án, Hội Chữ thập đỏ các cấp thường xuyên đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng công tác vận động tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện cho cán bộ, hội viên và tình nguyện viên.

- Vì vậy, số lượng máu tình nguyện trên tổng số lượng máu thu được tăng dần theo các năm. 

-  Công tác tôn vinh, khen thưởng, biểu dương thành tích cho  nhiều đơn vị, cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền vận động hiến máu và những người trực tiếp tham gia hiến máu tình nguyện vào các dịp sơ tổng kết hàng năm được các cấp hội tham mưu kịp thời và đúng đối tượng.

 

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:

  • Tuyên truyền tới các tầng lớp  nhân dân về ý nghĩa nhân đạo của hiến máu,hiến tặng mô tạng nhân đạo về vấn đề sức khỏe liên quan đến máu, các mô hình, điển hình trong công tác hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo.
  • Thành lập các loại hình Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện (câu lạc bộ hiến máu dự  bị, câu lạc bộ 25, câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm, câu lạc bộ gia đình hiến máu, ngân hàng máu sống...).
  • Vận động chính sách, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo tình nguyện.
  • Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện được thành lập ngày 26/02/2008 theo Quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Phó Trưởng ban thường trực, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo đặt tại Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ở cấp tỉnh,  thành phố, quận, huyện, xã, phường thành lập Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện.