I. Hệ thống tổ chức của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

1. Hệ thống tổ chức 4 cấp của Hội gồm:

a) Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;

b) Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);

c) Hội Chữ thập đỏ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và tương đương (gọi chung là cấp huyện);

d) Hội Chữ thập đỏ xã, phường, thị trấn và tương đương (gọi chung là cấp xã).

Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đối với tổ chức Hội được thực hiện theo quy định của pháp luật,

2. Các loại hình tổ chức Hội khác:

a) Hội được thành lập các chi hội trực thuộc, hội đồng hoặc ban bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ, các đội ứng phó thảm họa, đội sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, đội khám chữa bệnh Chữ thập đỏ lưu động, các câu lạc bộ và các loại hình hoạt động nhân đạo khác theo quy định của pháp luật.

b) Căn cứ vào điều kiện thực tế, các cấp Hội có thể thành lập các chi hội theo sở thích, nghề nghiệp. Việc lập các chi hội đặc thù do Ban Chấp hành Hội cơ sở hoặc Ban Thường vụ Hội từ cấp huyện quyết định nếu chi Hội trực thuộc cấp mình. Cấp Hội thành lập, trực tiếp quản lý theo đúng tôn chỉ, mục đích của Hội và quy định của pháp luật.

 

II. Cơ quan lãnh đạo và bộ máy chuyên trách của Hội

1. Cơ quan lãnh đạo Hội gồm:

a) Đại hội Hội.

b) Ban Chấp hành Hội.

c) Ban Thường vụ Hội.

2. Bộ máy chuyên trách của Hội gồm:

a) Văn phòng và các ban, đơn vị chuyên môn.

b) Tổ chức, nhân sự bộ máy chuyên trách của Hội do cấp có thẩm quyền quy định để bảo đảm Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội.

c) Hội được thành lập Hội đồng Tư vấn gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn, các cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết, có đủ phẩm chất, năng lực về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội. Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Tư vấn do Ban Thường vụ Hội quy định.

d) Các pháp nhân trực thuộc.

III. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

1. Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, được tổ chức theo nhiệm kỳ 05 năm một lần hoặc bất thường. Ban Chấp hành đương nhiệm triệu tập và quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự, thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội.

2. Đại hội đại biểu bất thường được Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoặc quá 1/2 (một phần hai) số tỉnh, thành Hội đề nghị.

3. Đại hội được tổ chức dưới hình thức đại hội đại biểu và chỉ được tổ chức khi có trên 2/3 (hai phần ba) số đại biểu chính thức có mặt.

4. Nhiệm vụ chính của Đại hội:

a) Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội nhiệm kỳ vừa qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ tới;

b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;

c) Bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội;

d) Thông qua Nghị quyết Đại hội.

5. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội

a) Đại hội thực hiện biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của đại hội phải được trên 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tán thành.

Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tương đương

1. Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương được tổ chức 5 năm một lần dưới hình thức đại hội đại biểu; đại hội Hội cấp xã và tương đương được tổ chức 5 năm một lần dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. Đại hội chi hội và tổ chức Hội trong trường học do Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định.

2. Đại hội bất thường Hội Chữ thập đỏ các cấp được triệu tập khi ít nhất 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành Hội cấp đó hoặc quá 1/2 (một phần hai) số tổ chức Hội trực thuộc đề nghị và được Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp đồng ý.

3. Đại hội Hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tương đương chỉ được tổ chức khi có trên 2/3 (hai phần ba) số đại biểu chính thức có mặt.

4. Đại hội Hội các cấp có nhiệm vụ:

a) Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của cấp Hội nhiệm kỳ qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của cấp Hội nhiệm kỳ tới;

b) Bầu Ban Chấp hành Hội;

c) Góp ý cho các văn kiện đại hội Hội cấp trên (nếu có) và bầu đại biểu đi dự đại hội Hội cấp trên;

d) Thông qua Nghị quyết Đại hội.

5. Nguyên tắc biểu quyết tại đại hội: thực hiện theo khoản 5 Điều 7 Điều lệ này.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực các cấp Hội

1. Ban Chấp hành cấp Hội:

a) Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của cấp Hội giữa hai kỳ đại hội; do đại hội cấp đó bầu ra; điều hành công việc ngay sau khi được bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của Hội cấp trên trực tiếp.

b) Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do đại hội cấp đó quyết định. Khi khuyết ủy viên Ban Chấp hành thì được bầu bổ sung nhưng không được quá 1/3 (một phần ba) số ủy viên do Đại hội quyết định và phải được Ban Thường vụ Hội cấp trên trực tiếp công nhận. Ban Chấp hành cùng cấp khi cần thiết được bầu thêm ủy viên Ban Chấp hành nhưng không quá 10% (mười phần trăm) số ủy viên Ban Chấp hành do đại hội cấp đó quyết định.

c) Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành là 05 (năm) năm.

2. Ban Thường vụ cấp Hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra. Cơ cấu, số lượng ủy viên Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định, nhưng không quá 1/3 (một phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp.

3. Thường trực Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp Hội:

a) Ở Trung ương Hội: Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, các Phó Chủ tịch là Thường trực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội. Số lượng Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành quyết định thông qua đề án nhân sự nhiệm kỳ.

b) Ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương: Chủ tịch, Phó Chủ tịch là bộ phận thường trực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội cùng cấp.

c) Ở cấp xã và tương đương: Chủ tịch, Phó chủ tịch là bộ phận thường trực của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội cùng cấp. Ban Chấp hành chi hội bầu Chi Hội trưởng, Chi Hội phó. Tổ hội bầu Tổ hội trưởng, Tổ hội phó.

IV. Cán bộ Hội, Hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ 

Cán bộ

1. Cán bộ Hội: là những người do đại hội cấp Hội bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, phân công, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ Hội, được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội.

2. Cán bộ Hội gồm cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách.

a) Cán bộ Hội chuyên trách là người đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Hội, được đại hội cấp Hội bầu ra hoặc được cấp có thẩm quyền của Hội tuyển dụng, bổ nhiệm; được hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Nhà nước và của Hội; có nhiệm vụ hoàn thành công việc được giao, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Hội.

b) Cán bộ Hội không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, được đại hội cấp Hội bầu ra nhưng không đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức Hội; được cấp Hội có thẩm quyền công nhận hoặc chỉ định.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cán bộ Hội thuộc quyền quản lý của cấp nào thì do cấp đó quy định.

4. Việc tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định pháp luật và của Hội về công tác cán bộ.

Hội viên

1. Hội viên của Hội gồm: hội viên cá nhân và hội viên tập thể.

a) Hội viên cá nhân: là những người Việt Nam đủ 16 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, đóng hội phí, tham gia sinh hoạt trong tổ chức của Hội, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của hội viên cá nhân thì được công nhận là hội viên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

b) Hội viên tập thể: là tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, đóng hội phí, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của hội viên tập thể, tham gia sinh hoạt trong tổ chức của Hội được công nhận là hội viên tập thể của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

2. Các cấp Hội được mời những người có uy tín, tâm huyết, có điều kiện tham gia công tác nhân đạo làm hội viên danh dự của Hội. Hội viên danh dự không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

Tình nguyện viên Chữ thập đỏ

1. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi, tuân thủ Điều lệ Hội, các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các quy định tại Quy chế tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam; có khả năng và điều kiện tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức.

2. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ có các danh hiệu: tình nguyện viên cấp một, tình nguyện viên cấp 2, tình nguyện viên cấp 3 và tình nguyện viên hoạt động1. Việc công nhận danh hiệu tình nguyện viên được căn cứ theo thâm niên hoạt động và những đóng góp của tình nguyện viên đối với hoạt động Hội.

3. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và đáp ứng các nhiệm vụ cụ thể của cấp Hội nơi tình nguyện viên Chữ thập đỏ sinh sống, công tác. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

4. Ban Thường vụ Trung ương Hội quy định việc công nhận danh hiệu tình nguyện viên, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của tình nguyện viên Chữ thập đỏ; tôn vinh, khen thưởng và phân cấp quản lý tình nguyện viên.

Thanh niên Chữ thập đỏ

1. Thanh niên Chữ thập đỏ là công dân Việt Nam từ đủ 16 đến 30 tuổi tích cực tham gia các hoạt động của Hội, có điều kiện, kỹ năng và tự nguyện tham gia hoạt động thanh niên Chữ thập đỏ. Thanh niên Chữ thập đỏ không phải đóng hội phí và không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội.

2. Các cấp Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động nhân đạo nhằm giáo dục lòng nhân ái cho thanh niên và xây dựng Hội vững mạnh.

3. Ban Thường vụ Hội quy định nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của thanh niên Chữ thập đỏ.

Thiếu niên Chữ thập đỏ

1. Thiếu niên Chữ thập đỏ là thiếu niên Việt Nam, từ đủ 9 đến 16 tuổi; tự nguyện và có điều kiện, khả năng tham gia hoạt động Chữ thập đỏ.

2. Tổ chức và hoạt động, quyền và nghĩa vụ của thiếu niên Chữ thập đỏ do Ban Thường vụ Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan hướng dẫn cụ thể.